Theo tương truyền cùng các tư liệu lịch sử, sâm Nam núi Dành được phát hiện từ thời vua Tự Đức, khi ấy mẹ ông trở bệnh dẫn đến mờ lòa cả hai mắt. Chạy chữa nhiều nơi không khỏi, năm đó, nhờ lấy được củ sâm Nam trên đỉnh núi Dành đem về chữa cho đôi mắt bà sáng trở lại. Hàng năm, sâm Nam núi Dành được săn tìm dâng lên tiến Vua. Tiếng lành đồn xa, nhiều người cất công lên núi Dành tìm kiếm, khiến sâm Nam ngày càng khan hiếm. Ở thế kỷ trước sâm Nam núi Dành như dần bị lãng quên, sau nhiều nỗ lực của các nhà khoa học cùng các cấp chính quyền và nhân dân, sâm Nam núi Dành đã hồi sinh được nhiều khách hàng khắp nơi biết tới.
Những ngày giáp tết nguyên đán Nhâm dần năm 2022 cận kề, tôi có dịp về tìm hiểu nguồn gốc loài sâm Nam quý hiếm có trên núi Dành nằm trên địa bàn 02 xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 15 km về hướng Tây Bắc, với độ cao khoảng 117 m so với mực nước biển ( núi Dành là đỉnh núi cao thứ hai sau núi Đót ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên). Núi Dành xưa kia thường gọi là Núi Chung Sơn, phần lớn diện tích núi nằm trên địa bàn xã Liên Chung và một phần của xã Việt Lập của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Vườn sâm Nam thôn Đồng Sen, xã Việt Lập dưới chân núi Dành
08h00’ một buổi sáng ngày thứ 7, tiết trời cuối mùa Đông vẫn còn giá lạnh, chúng tôi theo chân chị Nguyễn Thị Kim Dung, cán bộ Khuyến Nông xã Liên Chung - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ Sâm Nam núi Dành Liên Chung có mặt tại cơ sở sản xuất, kinh doanh sâm Nam núi Dành của xã viên Nguyễn Văn Điện tại thôn Lãn Chanh 1, xã Liên Chung. Anh Điện cho biết, anh cùng người em ruột Nguyễn Văn Biên liên kết sản xuất trồng sâm Nam núi Dành trên 02 khu vườn có tổng diện tích là 7.200 m2. Để chuẩn bị cây sâm giống cho khách hàng các tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hòa Bình và huyện Ba Vì (TP Hà Nội). Để chuẩn bị số cây sâm giống kịp thời cho khách hàng trồng vào đầu vụ xuân, anh Điện phải thuê từ 04 - 05 nhân công lao động người địa phương để làm cây sâm giống. Hiện nay, tại vườn đang có loại sâm củ già nhất là 6 năm tuổi bán cho khách. Năm 2020, tổng số tiền bán sâm giống và sâm củ hai anh Điện và Biên thu về được 2,1 tỷ đồng. Anh Điện mời chúng tôi thưởng thức chén nước trà hoa sâm vừa được pha bốc hương thơm nức. Nhấp một ngụm, tôi đã cảm nhận ngay cái vị ngòn ngọt thanh mát nơi đầu lưỡi như đang lan tỏa ngấm sâu vào trong cơ thể.
“ Sau khi nghiên cứu các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu kết hợp với theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển cây sâm Nam núi Dành. Năm 2020 Trung tâm giống cây trồng - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang đã Quyết định Ban hành quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Nam núi Dành. UBND xã Liên Chung đã phối hợp với Trung tâm giống cây trồng tổ chức 05 lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Nam núi Dành cho bà con xã viên với trên 200 lượt người tham gia” . Chị Nguyễn Thị Kim Dung chia xẻ.
Với cương vị là cán bộ Khuyến Nông - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ Sâm Nam núi Dành Liên Chung chị Nguyễn Thị Kim Dung luôn sát cánh cùng bà con xã viên từ những ngày đầu khôi phục, phát triển cây sâm Nam núi Dành từ việc lựa chọn nhân giống cây đầu dòng bố mẹ để cho ra một sản phẩm đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Chỉ đạo bà con trồng, chăm sóc đúng thời vụ kết hợp với phòng trừ sâu bệnh theo quy trình nghiêm ngặt. Đảm bảo cho sản phẩm sâm Nam núi Danh đạt tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ những khách hàng khó tính.
Huyện Đồng chí Nguyễn Xuân Hiếu, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Bắc Giang cùng huyện Đoàn huyện Tân Yên thăm mô hình trồng sâm Nam
của gia đình Đoàn viên Nguyễn Văn Điện, thôn Lãn Chanh 1, xã Liên Chung
Ông Dương Văn Viên 68 tuổi ở thôn Lãn Chanh 1. Năm 1983 đào được cây sâm tổ trên núi Dành mang về trồng ở vườn và nhân giống, đến nay ông Viên đã có 02 khu vườn trồng sâm Nam núi Dành với diện tích 3.200 m2. Từ năm 2019 đến nay, thu nhập bình quân của gia đình ông Viên từ sản xuất kinh bán sâm củ và sâm giống mỗi năm cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm. Ông Thân Hải Đăng, sinh năm 1969, ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập, huyện Tân Yên được cụ thân sinh để lại cho cây sâm tổ trong góc vườn làm thuốc chữa bệnh. Ông không giữ cho riêng mình tiếp tục kế thừa phát triển. Năm 2008, ông quyết định đem nhân giống đồng thời hướng dẫn bà con trong vùng trồng thêm để "hồi sinh” loại sâm quý hiếm này. Giờ đây, vườn cây sâm tổ giống của ông Đăng được trồng bảo tồn nguồn gien ngay liền trước sân nhà, đến nay gia đình ông đã quy hoạch được vườn trồng sâm Nam giống và sâm củ với diện tích khoảng 01 ha. Hiện nay ông Đăng làm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ Sâm Nam núi Dành Việt Lập. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ bán sâm củ, sâm giống và trà hoa sâm bình quân đạt 1 tỷ đồng/năm. Toàn xã Việt Lập có khoảng trên 100 hộ trồng cây sâm Nam núi Dành thì có khoảng 30 hộ gia đình có quy mô trồng tập trung với tổng diện tích trên 08 ha, còn lại các hộ gia đình cá nhân trồng rải rác nhỏ lẻ trong vườn nhà để sử dụng.
Ông Nguyễn Đắc Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho hay: “ Hiện nay trên địa bàn xã Liên Chung có khoảng trên 100 hộ gia đình thuộc 10 thôn trong xã trồng sâm Nam núi Dành với tổng diện tích khoảng trên 12 ha. Các thôn nằm giáp chân núi Dành phát triển mạnh hơn như: Thôn Lãn Chanh 1; Lãn Chanh 2; thôn Hậu; thôn Hương. Nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế bằng trồng cây sâm cho thu nhập từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Mua sắm được ô tô, đồ dùng sinh hoạt cao cấp, đắt tiền, xây thêm được nhà cao tầng mới to đẹp và khang trang”.
Cùng với các loại đặc sản đặc trưng của tỉnh Bắc Giang như: Mỳ Chũ, Vải thiều ( huyện Lục Ngạn), mật ong rừng Tây Yên Tử ( huyện Sơn Động), bánh đa Kế ( TP Bắc Giang), rượu Làng Vân, bánh đa Thổ Hà ( huyện Việt Yên), sâm Nam núi Dành ( huyện Tân Yên) được đông đảo du khách biết tìm đến mua về sử dụng bồi bổ sức khỏe, mỗi khi du khách đến vùng đất Bắc Giang công tác, tham quan và du lịch. Trao đổi với Ông Nguyễn Thế Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết: “ Năm 2021, Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho UBND huyện Tân Yên cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “ Núi Dành” cho sản phẩm sâm Nam. Với lợi thế tiềm năng sẵn có cây sâm Nam núi Dành đã hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng ổn định. Hiện nay, giá tiêu thụ bán sâm củ loại 1 hiện nay là 2.000.000 đồng/kg; trà hoa sâm khô 700.000 đồng/kg; cây sâm Nam giống có giá dao động từ 15.000 đồng - 25.000 đồng/gốc (tùy theo số lượng tiêu thụ của khách hàng ). Trên địa bàn 02 xã Liên Chung và Việt Lập có diện tích trồng sâm Nam núi Dành khoảng trên 20 ha, hàng năm cho thu nhập lên tới hàng chục tỷ đồng. Trước mắt, củ sâm Nam núi Dành cần các nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu hơn về khối lượng, thành phần dược chất và công dụng của nó đối với sức khỏe con người. So sánh với các giống sâm khác để khẳng định đẳng cấp, thứ hạng của nó. Hiện nay, huyện đang cho quy hoạch vùng trồng sâm với diện tích khoảng 200 ha ở các xã Liên Chung, Việt Lập và mở rộng vùng sang các xã An Dương, Tân Trung, Lan Giới và Hợp Đức…đồng thời xây dựng “ Đề án phát triển cây sâm Nam núi Dành”. Để cây sâm phát triển nhanh, hiệu quả bền vững, huyện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư về liên kết trồng, thu mua chế biến nâng cao giá trị cây Sâm và quảng bá cho sản phẩm sâm Nam núi Dành đáp ứng mang thương hiệu tầm cỡ khu vực và quốc tế biết đến”, ông Huy trăn trở.
Mặt trời đang dần khuất bóng trên đỉnh dãy núi Dành, một mùa xuân mới lại về, thấp thoáng đó đây trên các triền núi, sườn đồi lác đác bóng hoa đào, hoa mật bật nở đón mùa xuân đến sớm. Bâng khuâng chia tay Tân Yên với cảm xúc bịn rịn xen lẫn niềm vui phấn khởi sự đổi thay của vùng đất ven bờ con sông Thương thơ mộng. Cây sâm Nam núi Dành nơi đây đang được hồi sinh phát triển mạnh mẽ, một ngày không xa, Tân Yên sẽ trở thành vùng rộng lớn trồng dược liệu quý với “ Sâm Nam núi Dành đáp ứng mang thương hiệu tầm cỡ khu vực và quốc tế biết đến” như lời ông Nguyễn Thế Huy Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên mong ước trở thành hiện thực./.